Lượt truy cập
0484162
Hôm nay:135
Hôm qua:98
Tuần này:445
Tháng này:2391
Tất cả:484162
Đang trực tuyến:8
Hỗ trợ kỹ thuật » Tin thủy sản
Chủ động phòng trị dịch bệnh trên tôm nuôi (17/12/2018)
Chủ động phòng trị dịch bệnh trên tôm nuôi
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 của nước ta đạt kim ngạch 2,47 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu tôm đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 41,9%. Tuy nhiên, kết quả điều tra 5 tháng đầu năm 2017 cho thấy, diện tích tôm trên cả nước bị bệnh đốm trắng là 1.656,2ha, chiếm khoảng 14,5% diện tích thiệt hại, trong đó tỉnh Cà Mau có diện tích bị bệnh đốm trắng lớn nhất (chiếm 24,4% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh), sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và các địa phương khác. Đối với bệnh hoại tử gan tụy, diện tích bị bệnh là 1.557ha, chiếm khoảng 13,6%, trong đó tỉnh Bạc Liêu có diện tích bị bệnh lớn nhất (chiếm hơn 25,7% tổng diện tích tôm bị bệnh), tiếp đó là các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh... Ngoài ra, thời gian qua tôm nuôi cũng xuất hiện các bệnh khác như đỏ thân, bệnh còi, bệnh phân trắng…

Tại Hội thảo, PGS - TS Trang Sĩ Trung (Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang) cho biết, tôm nuôi hiện nay ngày càng phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm, chính vì vậy việc ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh trên tôm là nhiệm vụ quan trọng quyết định đến đời sống của hàng vạn người nuôi trồng thủy sản và kim ngạch xuất khẩu. Theo các chuyên gia, bà con ngư dân, chủ trang trại muốn tránh thiệt hại cần điều trị đúng bệnh cho tôm nuôi. Để phòng trị bệnh hoại tử gan tụy (gọi tắt là AHPND), biện pháp hàng đầu là dùng dầu của các loài thực vật như Lavandula, Pinus sylvestris, Viola odorata, Cosos nucifera... trộn với thức ăn. Hỗn hợp dầu thực vật này đã được kiểm chứng cho thấy kiểm soát tốt bệnh AHPND. Bên cạnh đó, để phòng và trị bệnh cho tôm nuôi hiệu quả, cần thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, bổ sung các chất khoáng và prebiotic trong thức ăn của thủy sản nuôi…  Cùng với việc tăng cường phòng, trị bệnh tốt cho tôm, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các nhà khoa học khuyến cáo người nuôi tôm nên áp dụng các mô hình hiệu quả như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP, mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu...

Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu các địa phương cần phổ biến, hướng dẫn cho người nuôi lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; áp dụng quy trình nuôi theo 2 giai đoạn (vèo giống); ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới; thực hiện ương/vèo giống (20-25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi. Trong đó đối với vùng nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, nếu người dân không có điều kiện để ương/vèo, địa phương cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ương/vèo thành giống lớn trước khi xuất bán cho người nuôi để đảm bảo mùa vụ và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh tại các cơ sở ương dưỡng tập trung để kiểm soát được chất lượng con giống và dịch bệnh. Tập thể, cá nhân nuôi tôm cần thực hiện “3 không”: Không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường. 

Hà Kiều