TPD VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

Một loại bệnh mới nổi có tên là TPD – được viết tắt từ Translucent Post larva Disease có nghĩa là “bệnh mờ đục hậu ấu trùng” hay còn được gọi là GPD – Glass Post larvae Disease (bệnh hậu ấu trùng thủy tinh) trên tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei. Được phát hiện lần đầu tiên tại các trại giống ở Ecuador năm 2015, tiếp theo là ở Trung Quốc vào tháng 3/2020 tại tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây sau đó bắt đầu lây lan sang các vùng nuôi tôm lớn ở phía Bắc. Gần đây, tại Việt Nam bệnh xuất hiện tại miền Trung vào tháng 4/2023 đến tháng 9/2023 phát hiện tại các trại tôm giống và thương phẩm ở miền Tây.
 
 
Hình 1: Tôm khoẻ (mũi tên đen) và tôm nhiễm TPD (mũi tên trắng)
Khi tôm nhiễm bệnh có dấu hiệu gan tuỵ và đường ruột nhợt nhạt hoặc trong suốt (hình 1), mầm bệnh chủ yếu tác động vào giai đoạn PL4 – PL7 gây tỷ lệ chết khoảng 60%, thậm chí lên đến 90 – 100% sau 3 ngày nhiễm bệnh.
Bệnh TPD gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thuỷ sản nên được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và tiến hành phân tích tìm nguyên nhân gây bệnh, nhóm tác giả Ying Zou et al., 2020 kiểm tra mẫu tôm bệnh TPD cho thấy không chứa các mầm bệnh như WSSV, IHHNV, SHIV, YHV, TSV, IMNV và AHPND/ EMS. Kết quả chỉ ra chủng vi khuẩn gây bệnh mang gen ldh (còn được gọi là gen hemolysin không bền nhiệt tlh) và có chung sự tương đồng 100% với các gen tlh đã biết của Vibrio parahaemolyticus. Đây là 1 loài Vibrio parahaemolyticus nhưng không phải chủng gây bệnh AHPND/ EMS đã phát hiện trước đây.
Biện pháp phòng bệnh TPD
Bệnh TPD diễn biến nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng nên chủ động phòng bệnh sẽ là phương pháp tối ưu cho trại sản xuất giống và người nuôi.
+ Lựa chọn con giống khoẻ mạnh nơi uy tín chất lượng.
+ Kiểm tra mật số Vibrio spp. trong môi trường nước và tôm trước khi thả.
+ Sử dụng vi sinh có lợi để ức chế vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nước nuôi, đây được xem là biện pháp an toàn và hữu ích.
+ Bổ sung thường xuyên tăng sức đề kháng, men tiêu hoá, thảo mộc kháng khuẩn vào thức ăn cho tôm từ lúc thả đến dưới 30 ngày tuổi.
+ Đối với trại giống cần kiểm soát chặt chẽ quy trình tiệt trùng thiết bị, dụng cụ, người ra vào, nguồn thức ăn,…kiểm soát tôm bố mẹ nhập khẩu đặc biệt từ Trung Quốc đảm bảo không nhiễm bệnh trước khi vào Việt Nam.