KỸ THUẬT NUÔI CÁ CHỐT

Trước đây thì cá chốt chủ yếu được nuôi và phục vụ cho bà con vùng quê, vừa ăn vừa dùng để làm mắm cá. Tuy nhiên trong nhiều năm đổ lại đây cá chốt lại trở thành món đặc sản quý hiếm được nhiều người săn lùng bởi chúng là cá nước ngọt sống tự nhiên, thịt thơm ngon, ngọt, lành tính và rất tốt cho sức khỏe. Hơn nữa hiện nay cá chốt ngoài thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nên giá của cá chốt luôn cao hơn các loài cá khác. Đó cũng là lý do mà nuôi cá chốt đang dần trở thành xu hướng phát triển. Tuy nhiên vấn đề về kỹ thuật vẫn chưa đảm bảo và tình hình dịch bệnh đang phát triển tăng thêm làm người nuôi nãn chí. Để giải quyết vấn đề trên thì bài viết này sẽ giúp người nuôi bổ sung thêm kiến thức về kỹ thuật để thuận lợi hơn trong quá trình nuôi.

1. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

  • Đặc điểm hình thái:  Cá Chốt có đầu nhỏ, dạng hình nón, hơi dẹp bên dưới. Nhìn ngang mõm có dạng tù, nhìn từ trên xuống mõm có dạng bầu dục. Miệng dưới không co duỗi được, độ rộng miệng tương đương khoảng cách hai ổ mắt. Cá có 04 đôi râu: 01 đôi râu mũi, 01 đôi râu mép và 02 đôi râu hàm dưới. Mắt to không có da che phủ, phần trán giữa hai mắt rộng và cong lồi. Thân dẹp bên, đường bên hoàn toàn, gai vi ngực và gai vi lưng cứng nhọn, mặt sau của hai vi này có cưa hướng xuống gốc, vi mỡ nằm đối diện với vi hậu môn và chiều dài hai gốc vi tương đương nhau. Phần lưng và đầu có màu xám trắng, toàn thân ánh lên màu vàng nghệ. Các vi màu vàng sậm, phần ngọn vi lưng, vi hậu môn, vi mỡ có màu xám đen. Râu mép màu đen, các râu khác màu vàng nhạt.
  • Phân bố: Lưu vực sông Mêkông, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam
  • Tính ăn: Có tập tính sống và ăn ở tầng đáy. Là loài ăn tạp
  • Đặc điểm hô hấp: Cá có cơ quan hô hấp phụ và còn có thể hô hấp bằng bóng khí và da nên chịu đựng được môi trường nước thiếu oxy hòa tan
  • Đặc điểm sinh trưởng: Sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 23℃ - 29℃
  • Đặc điểm sinh sản: Đa số loài cá da trơn đều có tập tính sinh sản vào mùa lũ và cũng có một số loài có tập tính di cư sinh sản, bãi đẻ của chúng có thể là những vùng ngập nước ven sông, hồ lớn vào mùa mưa và làm tổ trong các bờ ao mương.

2. HỆ THỐNG NUÔI

Chuẩn bị bể nuôi

  • Tháo cạn hoặc tát cạn ao, diệt hết cá tạp trong ao.
  • Vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn khoảng 10 – 15 cm
  • Lấp hết hang hốc, lỗ mọi rò rỉ và tu sửa lại bờ, mái bờ ao.
  • Dùng vôi CaO rải khắp đáy ao và bờ ao với lượng 7-10 kg/100 m2 để điều chỉnh pH thích hợp.
  • Dùng BKC với liều lượng 0,5 lít BKC pha loãng với 200 lít nước rồi phun đều khắp đáy và xung quanh ao để tiêu diệt mầm bệnh còn trú ẩn dưới đáy ao.
  • Phơi đáy ao 5 – 7 ngày, không nên phơi ao quá lâu sẽ có hiện tượng xì phèn không có lợi cho ao nuôi.
  • Sau cùng cho nước từ từ vào ao qua cống có chắn lưới lọc để ngăn cá dữ và địch hại lọt vào ao, giữ mức nước ao từ 1,5 - 2,0 m.
  • Trường hợp những ao nuôi không thể tát cạn thì quy trình cải tạo ao như sau:
  • Tháo cạn nước trong ao xuống mức thấp nhất có thể.
  • Dùng vôi CaO với liều 200 kg/10.000 m3
  • Xử lý nền đáy bằng các chế phẩm vi sinh (liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất)
  • Bơm nước vào ao nuôi với mực nước 1,5 - 2,0 m và tiến hành diệt mầm bệnh.

Chọn giống và thả giống

   - Chọn giống:

  • Cá khỏe mạnh: quan sát thấy cá đớp móng nhanh và mạnh
  • Cá không bị nhiễm ký sinh trùng và nhiễm khuẩn: kiểm tra ngẫu nhiên 10 – 20 con để đánh giá mức độ nhiễm ký sinh trùng cũng như nội tạng của cá như gan, thận,…
  • Cỡ cá đồng đều, cơ thể không bị trầy xước, mất nhớt, các vây đầy đủ và không bị tổn thương.

   - Thả giống:

  • Mật độ thả nuôi từ 80 - 100 con/ m2
  • Lưu ý: Cá giống mới đưa về, trước khi thả xuống ao nên tắm bằng nước muối 2 – 3% trong 5- 6 phút để lọai trừ hết các ký sinh và chống nhiễm trùng các vết thương hoặc vết xây xát trên thân cá. 

Chăm sóc và quản lí

 * Quản lí thức ăn

  • Ngày đầu tiên sau khi thả giống không nên cho ăn. Trong 3 ngày tiếp theo nên cho cá ăn 01 cữ/ ngày lúc 08:00.
  • Khi sức khỏe cá đã phục hồi nên cho cá ăn 2 cử/ngày. Khi cho ăn nên rải thức ăn từ từ và đều ao để toàn bộ cá trong ao có thể ăn được, hạn chế sự phân cỡ cá trong ao, giảm thời gian thức ăn tiếp xúc với nước sẽ làm mất dinh dưỡng của thức ăn và gây ô nhiễm môi trường nước.
  • Khẩu phần cho ăn và lượng thức ăn căn cứ vào điều kiện thời tiết, sức khỏe cá mà cần điều chỉnh cho phù hợp.
  • Trường hợp vào mùa lạnh, cá ăn ít thì chỉ nên cho ăn 01 cữ/ ngày vào lúc nhiệt độ nước ao cao (khoảng 15:00 – 16:00 giờ) và cho cá ăn tối đa.
  • Thường xuyên bổ sung các loại men tiêu hóa và acid hữu cơ để giúp cá dễ tiêu hóa, hấp thu mạnh và mau lớn.

* Quản lí chất lượng nước

  • Chất lượng nước ao nuôi rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cơ thịt của cá trong suốt vụ nuôi.
  • Giai đoạn đầu khi thả giống, sau khi cá thích nghi với môi trường nước mới thì tiến hành thay nước, lượng nước thay từ 20 – 30%. Sau đó, tăng dần tần suất thay nước, đặc biệt giai đoạn 03 – 04 tháng cuối của vụ nuôi cần phải thay nước hàng ngày, lượng nước thay tối thiểu từ 50 – 60%.
  • Nên kết hợp việc sử dụng các loại vi sinh để đảm bảo nguồn nước được sạch không làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt của cá.
  • Nguồn nước thay cũng phải được xử lí để đảm bảo không mang mầm bệnh vào ao nuôi.

3. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ CHỐT

Bệnh nhiễm khuẩn, nấm, ngoại ký sinh

  - Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh:

  •  Ngoại ký sinh: trùng mặt trời, trùng quả dưa, sán đơn chủ bám phá hoại mô bì hút máu và làm thân cá bị thương, xay xát, có thể gây xuất huyết.
  •  Vi khuẩn: Aeromonas hydrophila (bệnh xuất huyết) có biểu hiện xuất hiện các nốt xuất huyết trên đầu, miệng và hốc vây, lỗ huyệt sưng đỏ.  Flavobacteriumcolumnare (bệnh trắng đuôi) biều hiện có vệt trắng ở thân và đuôi, bơi lờ đờ, giảm ăn. Edwardsiella ictaluri (bệnh gan thận mủ) biểu hiện bơi lờ đờ, giảm ăn, sau khi giải phẩu có những đốm trắng đục trên gan, thận và tỳ tạng.
  • Nấm: có những sợi màu trắng như bông thường ký sinh trên thân cá làm cá mất máu, yếu dần rồi chết, thường xảy ra vào mùa lạnh.

Bệnh nội ký sinh

  - Nguyên nhân: do giun tròn, giun đầu gai, ký sinh trùng Ichthyonyctus, vi bào tử trùng Microsphoridians làm cá chậm lớn còi cọc và chết.

Bệnh do môi trường

 - Nguyên nhân: do môi trường nước thay đổi đột ngột gây sốc (bệnh trắng da)

4. PHÒNG TRỊ BỆNH TỔNG HỢP TRÊN CÁ CHỐT

  • Chọn loại cá giống khỏe, không bị nhiễm bệnh tại cơ sở có uy tín.
  • Nuôi ở mật độ vừa phải.
  • Kiểm soát lượng thức ăn hợp lý.
  • Nguồn nước cấp vào phải được lắng và lọc, định kỳ 10 -15 ngày diệt khuẩn ao nuôi.
  • Thường xuyên bổ sung men tiêu hoá, tăng sức đề kháng cho cá.
  • Định kỳ xổ nội kí sinh cho cá sử dụng 20 ngày/lần đối với cá giống hoặc 30 ngày /lần đối với cá thịt.
  • Theo dõi chất lượng nước và dấu hiệu bên ngoài của cá thường xuyên để xử lí kịp thời.