NHỮNG BẤT LỢI KHI NUÔI TÔM VÀO MÙA MƯA VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Mùa mưa bắt đầu là một trong những khó khăn lớn nhất đối với người nuôi tôm trong thời điểm hiện nay, nước mưa sẽ làm xáo trộn các chỉ tiêu môi trường nước như nhiệt độ, độ pH, độ kiềm, khí độc, mật độ tảo, oxy đồng thời cũng là điều kiện cho sự phát triển các mầm bệnh trong ao nuôi. Khi mưa lớn có thể làm tôm chết từ 2-3% thậm chí đến 50% nếu mưa kéo dài nhiều ngày. Bài viết này phân tích những vấn đề bất lợi xảy ra khi mưa giúp người nuôi có cái nhìn tổng quát và tìm ra cách khắc phục hiệu quả.
 
 
Nguồn: internet
Những bất lợi khi mưa
o   Thay đổi nhiệt độ đột ngột: nhiệt độ xuống thấp cùng với tiếng ồn khi mưa làm tôm giảm ăn và tập trung ở tầng đáy nơi có nhiệt độ ấm và yên tĩnh hơn, tại tầng đáy tôm sẽ tiếp xúc với nhiều mầm bệnh, đây cũng là nguy cơ cao làm dịch bệnh bùng phát.
o   Trời âm u, thiếu ánh sáng làm tảo không quang hợp được dẫn đến sụp tảo, xác tảo tàn tiến hành phân huỷ gây thiếu oxi và sinh ra các khí độc như CO2, NH3, NO2,…Oxy thấp làm tăng chuyển hoá sunfat và cuối cùng tăng H2S trong ao nuôi.
o   Thay đổi pH và kiềm: trong nước mưa có tính acid làm giảm độ pH và kiềm kích thích tôm lột xác, khi tôm lột xác trong điều kiện môi trường thiếu khoáng sẽ khó hình thành nên lớp vỏ mới và dẫn đến trường hợp ăn nhau.
o   Mầm bệnh phát triển: nước mưa rửa trôi và mang theo các mầm bệnh từ bên ngoài vào đồng thời bên trong ao xảy ra quá trình phân huỷ các xác hữu cơ dẫn đến vi khuẩn gây bệnh phát triển. Cùng với điều kiện hoá lí thay đổi như trên tôm sẽ dễ nhiễm các bệnh đường ruột, bệnh gan tuỵ, đen mang, đóng rong, mềm vỏ, hồng thân,…
Cách khắc phục trước và sau khi mưa
o   Theo dõi thường xuyên dự báo thời tiết và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc hoá chất để kịp thời ứng phó nếu mưa.
o   Trước khi mưa, cần duy trì mực nước 1.2 – 1.5m giúp môi trường nước ít bị xáo trộn, giảm hoặc ngưng cho tôm ăn và chạy quạt liên tục nhằm cung cấp đủ oxi cho ao nuôi. Chủ động rải vôi xung quanh bờ và tạt vào ao, có thể kết hợp thêm yuca và vitamin C.
Sau khi mưa, xả nước tầng mặt và cấp nước sạch đã xử lý vào. Kiểm tra lại các chỉ tiêu môi trường nước đặc biệt oxy và độ pH. Đồng thời bổ sung khoáng vào ban đêm và tạt men vi sinh gây lại màu nước vào buổi sáng hôm sau. Nên cung cấp men tiêu hoá và tăng sức đề kháng vào khẩu phần ăn của tôm.